Sợ hãi tháng cô hồn: "Ngu tín" và tai hại

Nếu dựa trên kinh nghiệm gieo trồng, chăn nuôi mà vận dụng vào cả những việc khác trong tháng cô hồn thì không đúng và gọi là "ngu tín".


Sợ hãi tháng cô hồn:

Vô tình rước vong về nhà trong tháng cô hồn vì cúng sai cách Hậu tháng "cô hồn", xe máy vẫn giảm giá thảm 

Cộng đồng mạng lan truyền 18 điều cấm kỵ trong tháng cô hồn với tốc độ chóng mặt, ngoài ra, người ta còn truyền tai nhau 16 điều không nên khác. Từ việc treo chuông gió ở đầu giường, nhổ lông chân, bơi lội, chụp ảnh vào ban đêm... cho đến mài dao kéo, động thổ, nhập trạch, mua xe, may quần áo trắng, không để mũi dép hướng về phía giường... Theo đó, rất nhiều người vẫn đang mang nỗi sợ về tháng cô hồn, ảnh hưởng đến công việc cũng như luôn mang trong mình tâm lý bất an. 

Trước những kiêng kỵ này, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định trên tờ Vietnamnet: "Trong Phật giáo, hoàn toàn không có những quan niệm như 18 điều nên tránh trong tháng 7, cũng như quan niệm về ngày tháng đẹp - xấu. 

Trong 360 ngày thì ngày nào cũng là ngày tốt. Xui hay không xui là do tâm lý của con người. Chỉ có thời xưa, trong dân gian, mọi người hay kiêng kỵ chuyện cưới xin do ảnh hưởng của điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Và cho tới gần đây, người Việt mới có suy nghĩ là tháng 7 kiêng kỵ. 

Thực ra, nếu xét ở nhiều khía cạnh thì tháng 7 mới là tháng đẹp nhất. Bởi tháng 7, mọi người làm nhiều việc thánh thiện nhất, thì mọi điều sẽ đẹp nhất". 

GS. TS Phạm Đức Dương (chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học) chia sẻ, việc kiêng kỵ thì ở dân tộc nào cũng có, đất nước nào cũng có dù là nước tiên tiến, hiện đại nhất. Kiêng ở một góc độ nào đó nó đã giúp tâm lý con người được vững tâm. 

Từ xưa đến nay, trong văn hóa tâm linh của hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có những tập tục kiêng kỵ nhằm có được may mắn, tránh vận xui rủi. Tuy nhiên, việc kiêng kỵ cũng chỉ mang tính chất tương đối. Mọi người có thể có được đức tin song không nên sa đà vào mê tín. Nhiều khi chính sự sa đà sẽ khiến họ vuột mất cơ hội tốt. 

Ông khẳng định, nếu chúng ta sống bằng tâm, đức, không lừa lọc dối trá thì không cần thiết phải lo lắng, sợ hãi thời điểm này. Mọi người, đặc biệt là người trẻ, cần sáng suốt nhìn nhận mọi vấn đề, không nên quá kỹ tính kiêng khem, mê tín. Sinh ra một tập tục, sự kiêng kỵ không khó nhưng bỏ đi ý thức về chúng thì không đơn giản chút nào. Theo thông tin trên báo Infonet. 

Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) phân tích trên tờ Đời sống & Pháp luật, rằm tháng Bảy là ngày tự tứ, kết thúc mùa Hạ, tiết khí cũng thay đổi. Lúc này, gieo hạt không cho kết quả bao nhiêu. Chu kỳ thực vật thường là vậy. Từ kinh nghiệm đó, người ta tránh điều không thuận lợi. Tuy nhiên, kinh nghiệm đó chỉ dựa trên gieo trồng, chăn nuôi mà thôi. Còn vận dụng vào cả những việc khác thì không đúng và gọi là "ngu tín". 

Cũng theo nguồn trên, nhà ngoại cảm, chuyên gia nghiên cứu phong thủy Nguyễn Cung Hà nêu quan điểm, những cái ông bà ta kiêng kỵ thường liên quan đến thời tiết, thiên địa nhân, như động thổ, xây nhà, cưới xin. Còn bàn về kiêng kỵ, có rất nhiều điều kiêng, xét về mỗi cá nhân trong tháng nào cũng có điều, có ngày người ta phải kiêng. Do đó, cứ hễ tháng Bảy là dừng lại mọi hoạt động thì đó là điều hoàn toàn phi lý. Đặc biệt, các giao dịch như chứng khoán, ô tô, hay các hoạt động mua sắm khác không liên quan gì.