5 đứa con lần lượt qua đời, người cha phát điên giết con gái còn lại

5 đứa con lần lượt qua đời, vợ chồng ông Thức trải qua một thời gian dài đau thương, vất vả mới sinh nuôi được cô con gái duy nhất, đặt tên là Hiếm.

Nhưng số phận dường như không buông tha cho gia đình này, đến cuối đời, người cha lại phát điên sát hại con mình.

Chị Hiếm bị cha sát hại khi đang đi mua thuốc tâm thần cho cha

Cha tâm thần đoạt mạng con

Người dân xóm Vanh (xã Piềng Vế, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) chưa hết bàng hoàng về chuyện ông Phạm Bá Thức (ngụ xóm Vanh) cầm cuốc bổ chết người con gái duy nhất là chị Phạm Thị Hiếm (SN 1985). Vợ ông Thức gần 60 tuổi, dáng vẻ gày gò, ngồi mệt mỏi ôm đứa cháu ngoại mới mồ côi mẹ. Xung quanh rất đông hàng xóm qua thăm hỏi, chia buồn, động viên.

Trong khi mẹ nạn nhân nghẹn ngào mãi không lên lời, một số người hàng xóm cho biết, việc xảy ra vào khoảng 12h ngày 10/7. Chị Hiếm đang chuẩn bị đi mua thuốc chữa bệnh thần kinh cho bố, ra đến sân lại sực nhớ quên khẩu trang nên quay lại.

Hiện trường nơi ông Thức lên cơn điên gây án.

Vừa đến cửa đã bất ngờ bị ông Thức túm tóc kéo giật vào nhà, đóng sập cửa lại. Chưa kịp định thần trước hành động đột ngột của bố, chị Hiếm đã bị ông Thức giáng cho hai nhát cuốc vào đầu và trán. Nạn nhân chỉ kịp kêu lên vài tiếng rồi gục luôn sau cửa chính.

“Lúc đó, tôi đang ở nhà phơi ngô thì nghe thấy tiếng kêu cứu của Hiếm nên chạy vội sang. Cùng lúc đó cũng có nhiều người hàng xóm khác chạy đến. Cửa nhà khi đó còn bị khóa trái, phải vất vả lắm mọi người mới phá cửa vào trong được và thấy Hiếm nằm thoi thóp trên vũng máu. Bên cạnh là chiếc cuốc. Còn ông Thức ngồi bình thản ở ghế như không có chuyện gì xảy ra”, một người hàng xóm cho hay.

Sau khi sự việc xảy ra, dân làng cử người đi báo công an và báo cho các thành viên trong gia đình biết bởi thời điểm đó ở nhà chỉ có hai bố con ông Thức. Người con gái đã tử vong do vết thương quá nặng. Tại hiện trường, chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã khám nghiệm tử thi và bắt giữ ông Thức về hành vi giết người.

Được biết, nạn nhân là con gái duy nhất của vợ chồng ông Thức (đúng như cái tên Hiếm). Vào năm 2004, chị kết hôn với một người quê ở Thanh Hóa, sinh được một con gái năm nay 9 tuổi.

Hôn nhân không hạnh phúc, chị Hiếm xin đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Về nước chưa được bao lâu, vợ chồng liên tục xảy ra xích mích nên đến năm 2012 thì chia tay. Đứa con được giao cho gia đình chồng nuôi, thỉnh thoảng lại về ở với mẹ và ông bà ngoại.

Chị Hiếm về nhà bố mẹ đẻ thấy cuộc sống còn nhiều khó khăn nên lại tha hương kiếm sống. Dăm bữa nửa tháng, chị về nhà thăm bố mẹ, thăm con rồi lại tiếp tục đi làm xa. Lần này chị mới về được vài ngày, thấy sức khỏe bố không tốt, vừa định đi mua thuốc thì xảy ra sự việc.

Mất ba con ruột, hai con nuôi, mới có một con gái

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Bá Tha, Trưởng xóm Vanh và cũng là anh cả của ông Thức, cho biết: Nhà ông có bảy anh em, chỉ còn bốn người, đều sống quây quần, hạnh phúc. Ông Thức là con thứ 3. Trong khi anh em đều con đàn cháu đống thì vợ chồng ông Thức lại khó khăn về đường con cái.

Trước khi sinh được chị Hiếm, vợ chồng ông Thức đã có ba người con trai nhưng số phận ngắn ngủi, mấy đứa nhỏ cứ được vài ngày tuổi lại bệnh tật qua đời. Ngày đó vợ chồng người anh lại sinh được một bé gái trắng trẻo, bụ bẫm, thấy người em khó khăn về con gái nên bàn nhau “cho” đứa con này.

“Trước đó, vợ tôi sinh được hai con rồi, thấy các em khó khăn việc sinh nở nên chúng tôi cho đứa con gái vừa mới sinh được vài ngày. Cô chú ấy vui lắm, ngày đêm chăm sóc. Nỗi buồn phiền không con cái vì thế cũng được vơi giảm đi nhiều”, ông Tha kể.

Khi bé gái được 10 tuổi thì tai họa ập đến. Trong một lần đi chăn trâu, cô bé bị một cây gỗ to trên dốc lăn xuống trúng người. “Cháu bị cây gỗ lăn mạnh vào, con bé bị cây gỗ “nghiền” không chống đỡ nổi”, ông Tha rơm rớm nước mắt.

Sự ra đi đau đớn của cô “con gái nuôi” càng khoét sâu thêm nỗi buồn không con của vợ chồng ông Thức. Ngày ngày đi làm thì chớ, về tới nhà lại ngồi dựa vào nhau thở dài ngán ngẩm.

Không cam lòng nhìn vợ chồng em trai ngày một ủ rũ nên lần tiếp theo khi thấy vợ sinh đôi hai con trai, ông Tha lại bàn với vợ cho bớt một đứa con cho em trai vui vầy cửa nhà, được vợ ủng hộ. Nhưng ở với vợ chồng ông Thức được 5 ngày, cậu bé “con nuôi” đó lại ra đi vì bệnh tật.

Ông Thức đã nhiều năm nay phát bệnh tâm thần

Dù đau đớn lắm nhưng vợ chồng người anh vẫn cố gắng động viên em. Khi ấy, vợ ông Thức đang mang thai sắp đến ngày sinh nở, sau đó sinh một con gái bụ bẫm, đáng yêu. Ông Thức vui mừng đến nỗi đặt luôn cho con tên là Hiếm để nhớ về quãng thời gian dài vất vả đau thương mới có được đứa con đẹp đẽ, khỏe mạnh.

Tấn bi kịch trong gia đình hiếm con

Hạnh phúc muộn màng cũng không trọn vẹn. Mấy năm trở lại đây, ông Thức liên tục có những biểu hiện của người mắc bệnh thần kinh, thường xuyên chửi mắng, đánh đập vợ con. “Chú ấy như bị ma làm, không giao du, tiếp xúc với ai ngoài vợ con. Đi làm cũng thui thủi một mình, chỉ lầm lũi như một cái bóng. Về tới nhà là đóng sập cửa, không đi đâu, cũng chẳng nói chuyện với ai. Thấy người lạ là chú ấy lủi mất tăm…”, người anh chia sẻ.

Ngồi kế bên, vợ ông Thức kể thêm, chồng bà một năm “lên cơn” hai lần. Nhưng lúc như vậy, nhìn ông rất đáng sợ, không ai dám đến gần. Bình thường ông lại chăm chỉ phụ giúp vợ con công việc nhà, việc đồng áng. Hai mẹ con luôn phải để sẵn thuốc phòng khi ông lên cơn.

Bà kể: “Vợ chồng tôi mãi mới sinh và nuôi nấng được đứa con. Đến lúc đủ lông đủ cánh, cuộc sống gia đình riêng không êm ấm, nó về ở với bố mẹ và thương bố mẹ lắm. Việc lớn việc nhỏ nó đều gánh vác, đỡ đần hết. Thấy bố bệnh, nó không quản ngại tìm thuốc chữa trị. Không ngờ bệnh tình ông ấy “nặng” tới mức ra tay với con gái.

Trước đó, ông ấy ngày nào cũng lẩm bẩm sợ ai đó đến giết mất con. Đến của cải trong nhà, ông ấy cũng sợ người ta lấy mất nên luôn miệng bảo để “dành cho Hiếm, là của con Hiếm”. Vậy mà ông ấy bị “con ma rừng” nó hành, lỡ ra tay giết con như thế”.

Gạt dòng nước mắt tuôn rơi, người mẹ bất hạnh bày tỏ: “Sự việc cũng đã xảy ra rồi, có muốn thay đổi không được. Tôi chỉ mong muốn đứa cháu ngoại sẽ không vì chuyện này mà bị ảnh hưởng. Nhiều lúc thấy cháu thẫn thờ nhìn ảnh ban thờ mẹ mà ruột gan tôi xót xa như có kim đâm.

Về phần chồng tôi, nếu ông ấy không bị ngồi tù, tôi mong mọi người giúp tôi đưa ông ấy vào trại tâm thần để không “gây hại” thêm cho ai nữa. Bệnh ông ấy nặng lắm rồi”.